fbpx

Mở cánh cửa ngôi nhà vỏ ốc của Minh

date_range2020-02-28

Gia đình bé Minh có 4 người, ba mẹ, bé và chị hai (7 tuổi). Trước đây, Minh đã từng đi học mầm non nhưng vì khả năng tự lập, nghe – hiểu và những khó khăn về giác quan đã khiến cho Minh gặp nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường học đường. Vì thế, gia đình đã cho Minh nghỉ học. Hiện tại ba của Minh phải tạm nghỉ việc để ở nhà chăm sóc và dạy học cho cô bé.

Minh là một trong hai bé nữ trong chương trình can thiệp sớm. Minh xinh xắn, nhỏ nhắn và hơi nhút nhát. Giống như những đứa trẻ tự kỷ khác, Minh thích chơi một mình và không có nhu cầu giao tiếp với người khác. Cô bé thích nhét những thẻ hình vào khe cửa, thích lật mở 1 trang sách và nhìn chăm chú vào một trang nào đó, thích nhún nhảy, bật cao trên nệm. Khi ba mẹ đi làm về, cô vẫn tiếp tục hoạt động của mình không mừng rỡ hay có chút hào hứng nào, Minh vẫn 1 mình trong thế giới nhỏ bé của em.

Minh sợ tiếng của những động cơ ồn ào, sợ tiếng còi xe, nhưng đôi tai em lại nhạy cảm với những âm thanh nhỏ đến mức chúng ta dường như không thể nghe thấy được.

Minh chưa có ngôn ngữ, em phát âm dài trong lúc chơi, cô bé có thể nghe hiểu được một vài mệnh lệnh đơn giản trong nhà. Minh không quan tâm đến những gì người khác đang nói, nếu cần gì bé kéo tay của ba để giúp. Cô bé rất thích ba và cảm thấy an toàn khi có ba bên cạnh. Minh trầm tính, rất ít khi cười và thay đổi biểu cảm trên gương mặt. Bé cần một môi trường an toàn ở lớp để có thể tự tin khám phá và cởi mở hơn.

Ba mẹ Minh gặp nhiều bối rối khi giao tiếp với Minh, cảm giác không thể kết nối được với con chính là cảm giác của họ. Họ khao khát nhận được sự vui mừng của Minh khi họ đi làm về, hay nhận được cái ôm hôn trìu mến của bé, và thực sự đây cũng là những ước muốn rất giản dị bình thường của mỗi phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ. Có một câu nói vui rằng “Nếu bạn muốn tìm kiếm nguồn năng lượng bằng cách tìm một đứa trẻ và chơi cùng nó thì bạn đã sai lầm rồi, vì chính đứa trẻ đó mới là người cần bạn truyền năng lượng” và Minh cũng vậy, cô bé cần một “người bạn” tràn đầy năng lượng để có thể kéo cô ấy ra khỏi vỏ ốc của mình. Ba mẹ của Minh là những người trầm tính và ít nói, nhưng họ đã cố gắng nói nhiều hơn, cười nhiều hơn để Minh có thể chú ý đến họ. Đây thực sự là cả một sự cố gắng của ba mẹ cô ấy!

Sau hơn 4 tháng can thiệp, với những nỗ lực không ngừng của ba mẹ, Minh hiện tại đã có những tiến bộ rất đáng vui mừng. Bé có thể gọi ‘ba’, ‘mama’, hay phát âm to để gọi ba mẹ mình khi muốn giúp đỡ, cô bé có thể nói được một vài từ đơn bằng cách bắt chước. Em có thể chú ý – lắng nghe và thực hiện đươc một số mệnh lệnh đơn giản. Minh đã biết quay lại khi được gọi tên, biết cất dọn đồ chơi sau khi chơi xong dưới sự nhắc nhở của ba mẹ.

Minh vui vẻ và cười nhiều hơn khi đùa giỡn, em bắt đầu yêu thích các hoạt động vui chơi hơn, như tự đưa chân vào đường hầm để giáo viên cù lét chân em, mỗi lần như vậy cô bé cười sặc và ôm lấy ba mình để chia sẻ niềm vui đó. Minh có thể đùa giỡn nhiều lần như thế, em đã bắt đầu tìm thấy được niềm vui khi chơi cùng người khác. Cánh cửa “căn nhà vỏ ốc” của Minh đã bắt đầu được hé mở!

Minh hiện tại có thể bắt chước được hành động của người khác nhiều hơn, em nhận biết được ba, mẹ, chị hai và cả chính mình, em có thể chỉ vào một người quen thuộc với mình khi được nói tên. Minh bắt đầu tập sử dụng và thích nghi tốt khi đeo tai nghe chống ồn, cô bé sẽ nhờ ba giúp mình đeo tai nghe khi thấy khó chịu bởi những âm thanh xung quanh, lúc đó bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Đeo tai nghe, thực sự là một sự thích nghi khó khăn, nhưng với sự cố gắng của mình, Minh đã làm được!

Thế giới tâm hồn của mỗi đứa trẻ thì vô cùng đặc biệt, với những trẻ tự kỷ thì lại càng đặc biệt hơn. Và Minh cũng vậy, cô bé là một đứa trẻ “đặc biệt” với cá tính riêng của mình. Cô bé có những khó khăn, những nỗi sợ mà có lẽ người khác khó có thể hiểu được. Nhưng ba mẹ của Minh đã rất nhẫn nại để tìm hiểu hết tất cả những điều “đặc biệt” đó của con mình để có thể từng bước từng bước hỗ trợ Minh một cách tốt hơn. Hy vọng, ba mẹ cô bé sẽ luôn có đủ niềm tin và nghị lực để tiếp tục đồng hành cùng cô trên con đường dài phía trước.

 

*Tên của trẻ đã được thay đổi

Câu chuyện của Kim Yến: “Những lời cổ vũ của anh chị là động lực cho em.”
date_range2024-03-07
Câu chuyện của Kim Yến: “Những lời cổ vũ của anh chị là động lực cho em.”
Câu chuyện của Quỳnh: Lúc đấy được tiếp tục đi học là em đã thấy hạnh phúc lắm rồi
date_range2023-11-22
Câu chuyện của Quỳnh: Lúc đấy được tiếp tục đi học là em đã thấy hạnh phúc lắm rồi
Câu chuyện của V.: Có một thế giới bao la bên ngoài đang đợi em khám phá
date_range2023-11-17
Câu chuyện của V.: Có một thế giới bao la bên ngoài đang đợi em khám phá
Bức tranh của T: “Con muốn vẽ dưa hấu nhưng không muốn vẽ cả trái dưa hấu giống bạn”
date_range2023-11-16
Bức tranh của T: “Con muốn vẽ dưa hấu nhưng không muốn vẽ cả trái dưa hấu giống bạn”
Hành trình của P.: Kết quả cho nỗ lực can thiệp sớm chính là niềm vui của em
date_range2023-11-14
Hành trình của P.: Kết quả cho nỗ lực can thiệp sớm chính là niềm vui của em
Hành trình của Ánh: Từ học sinh thụ hưởng của saigonchildren đến nhà lãnh đạo nữ trẻ thành đạt
date_range2023-11-14
Hành trình của Ánh: Từ học sinh thụ hưởng của saigonchildren đến nhà lãnh đạo nữ trẻ thành đạt
Câu chuyện của Ánh Kim: “Nguồn Gia đình là nguồn động lực để em phấn đấu và phát triển bản thân”
date_range2023-11-10
Câu chuyện của Ánh Kim: “Nguồn Gia đình là nguồn động lực để em phấn đấu và phát triển bản thân”
Ngọc và ước mơ khẳng định: nữ giới cũng có thể là chuyên gia trong ngành IT!
date_range2023-11-01
Ngọc và ước mơ khẳng định: nữ giới cũng có thể là chuyên gia trong ngành IT!
Câu chuyện của Giang: “Em không có tố chất sẵn, nên cái gì cũng phải học và trau dồi hết cả”
date_range2023-09-28
Câu chuyện của Giang: “Em không có tố chất sẵn, nên cái gì cũng phải học và trau dồi hết cả”
Cánh cổng trường tiểu học chào đón B.N khám phá hành trình mới
date_range2023-09-28
Cánh cổng trường tiểu học chào đón B.N khám phá hành trình mới