Đằng sau một đứa trẻ là bao nỗi lòng của mẹ cha. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe câu chuyện về hành trình làm cha có con là trẻ tự kỷ từ phụ huynh em K.V., một bạn nhỏ thụ hưởng thuộc Chương trình giáo dục đặc biệt của saigonchildren, trong những năm đầu đời đầy quan trọng của V. bạn nhé!
–
Trước khi có con, gia đình mình cũng vốn thuộc dạng không khá giả gì mấy. Ba làm thợ sơn, sửa chữa nhà cửa, mẹ thì đi phụ việc văn phòng. Thỉnh thoảng, cuối tuần, ba chở mẹ đi làm trên chiếc xe máy cũ kĩ, mẹ đi theo để dọn dẹp vệ sinh công trình cho ba, kiếm thêm ít đồng về để mua sữa cho chị gái của con.
Ngày mà phát hiện đã con đến với ngôi nhà này, lòng ba như bừng sáng niềm vui, và nó càng tăng lên gấp bội khi vài tháng sau, ba biết con là 1 bé trai. Vì chi phí ở Sài Gòn khá lớn, mẹ đã thu xếp về quê để sinh con, ba và chị ở lại Sài Gòn để ba có thể đi làm kiếm đồng ra đồng vào chăm lo cho cuộc sống ba mẹ con. Ngày con chào đời, bao niềm hi vọng, mong ước hiện lên trong suy nghĩ của ba, ba dặn lòng rằng sẽ cố gắng nuôi dạy con thành 1 chàng trai thật giỏi giang và mạnh mẽ.
Dựa trên kinh nghiệm chăm sóc chị gái con trước đó, ba hoàn toàn yên lòng vì con luôn đạt được các mốc phát triển điển hình, từ biết lật, biết bò, biết đi, gọi “baba”, “mama”, lớn hơn chút xíu nữa, con còn nói được các từ đơn giản như “gà”, “chó”, v.v.. Đến gần 2 tuổi, ba mẹ dần nhận thấy con không còn bi bô như trước, bắt đầu đi nhón chân, chạy nhảy liên tục, không ngồi một chỗ quá lâu. Con cũng không quay đầu khi được gọi tên, không nhận ra những người con quen trước đây, và thậm chí chạy băng qua đường ngay lập tức khi ba buông tay mà không cần để ý đến xe cộ hay vật cản nào trước mặt.
Nghe lời hàng xóm, ba mẹ đã đưa con đi khám sàng lọc và biết được rằng con được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và tăng động giảm chú ý. Bác sĩ còn kê thuốc cho con vì con gặp tình trạng khó ngủ, tối nào cũng thức khuya, có khi đến 3 hoặc 4 giờ sáng. Thời điểm đó, dịch COVID đang hoành hành, ba mẹ nghỉ làm ở nhà nên tìm xem các video, tài liệu, kinh nghiệm từ các ba mẹ có con tự kỷ khác để tự can thiệp cho con, nhưng kết quả không khá hơn bao nhiêu. Ba buồn lắm khi thấy con vẫn chỉ thích chơi mình, hét lớn và vứt đồ chơi khi có điều làm con không hài lòng.
Hết giãn cách, ba mẹ gửi con đến lớp can thiệp 1-1 với chi phí đắt đỏ so với điều kiện gia đình trong 4 tháng, rồi sau đó đến trường mầm non hòa nhập. Chưa được bao lâu, các kỹ năng của con lại có dấu hiệu thụt lùi. Tìm hiểu cùng cô giáo thì mới biết được rằng, con khó chịu khi thấy bạn bè xếp giày dép không ngay ngắn và những thứ không rập khuôn.
Năm 2022, được cô giáo cũ giới thiệu, ba mẹ đăng ký cho con tham gia lớp Can thiệp sớm miễn phí của tổ chức saigonchildren. Con làm quen khá nhanh với phương thức can thiệp mà các cô đã hướng dẫn; ngoài giờ học 1-1 ngồi vào bàn với ba hoặc mẹ, ba mẹ cũng can thiệp cho con bất cứ lúc nào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Vài tháng sau, saigonchildren bắt đầu mở lớp học nhóm, kéo dài khoảng 2 tiếng, mỗi tuần một buổi, và có khoảng 5 đến 7 bạn tham gia trong đó có con. Thật may khi cũng nhờ theo học lớp này mà con tăng khả năng hoà nhập cùng các bạn và cộng đồng rất nhiều.
Thế là, chỉ vỏn vẹn hơn 1 năm can thiệp cùng các chuyên viên ở đây, từ mốc phát triển ngôn ngữ 24 tháng, con đã tiến nhanh đến mốc 4.5 tuổi. Ba mẹ mừng rỡ khi cầm trên tay phiếu đánh giá lại, thấy các chỉ số của con phát triển đáng kể. Thời gian trôi thật nhanh, giờ con đã đến tuổi đi học lớp 1, biết đọc, biết viết, tiến bộ trong việc ghép từ và chủ động trò chuyện với người khác qua đoạn hội thoại ngắn.
Trên chặng đường can thiệp cho con, đã có những giọt nước mắt của ba mẹ rơi xuống vì buồn bã, chán nản khi con không hợp tác, và rồi cũng có những khoảnh khắc nước mắt rơi xuống vì hạnh phúc khi thấy con tiến bộ. Ba muốn cảm ơn các cô giáo can thiệp, cảm ơn con, cảm ơn mẹ, cảm ơn chính bản thân ba vì đã không gục ngã, không buông xuôi và vẫn đang cố gắng từng ngày để đồng hành cùng con.