Đi bộ khoảng một tiếng đồng hồ để đến trường hàng ngày, hay nơi khang trang nhất ngôi nhà không vách là chiếc bàn học màu hồng chỉ là vài trong số vô vàn chia sẻ chân thật mà chúng tôi được dịp lắng nghe từ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn và trải nghiệm thực tế trong đợt vãng gia đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang vào đầu tháng 9 năm nay.
Đi thăm nhà trẻ là hoạt động bắt buộc cho quá trình tuyển chọn học sinh mới trong Chương trình Học bổng Phát triển Trẻ em của saigonchildren. Và lần này, chúng tôi ghé thăm các học sinh đang theo học tại trường Tiểu học và THCS Phương Ninh, một trường học trong địa phương đã được xây cất hơn 30 năm, lộ dần dấu hiệu xuống cấp theo thời gian và đang tiếp tục nhận hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng bởi saigonchildren, thông qua Chương trình Xây trường và Cải thiện môi trường học đường.
Mỗi em nhỏ là một câu chuyện khác nhau, và dù câu chuyện ở hình thái nào cũng để lại nhiều cảm xúc và tâm tư với những người làm công tác xã hội như chúng tôi. Khi trực tiếp dấn thân vào những địa bàn sinh sống thực tế mới hiểu, các em nhỏ nơi đây đã nỗ lực đến nhường nào để tiếp tục con đường đến trường của mình.
Bắt đầu từ những con đường trải nhựa, đoàn công tác dần tiến sâu vào những con đường hẹp hơn mà ô tô không thể đi vào, và đôi khi chỉ còn là con đường đất. Mấy hôm đi thăm nhà trẻ, trời đều mưa với nhiều đoạn đường bị che lấp bởi cây cối rậm rạp đôi bên, và mặt đường phủ đầy rong rêu trơn trượt. Các thầy cô của trường chở chúng tôi đi bằng xe máy cũng chỉ dám chạy thật chậm.
Ở đấy, nước máy cũng chưa được cung cấp đầy đủ cho người dân. Khoảng 70% hộ gia đình mà chúng tôi đến thăm đều nhờ vào nước mưa và nước sông để phục vụ cho các sinh hoạt cần thiết quanh năm. Đặc biệt, do đặc trưng địa lý, khu vực trường học và nhiều nhà dân ở đây đều ngập nước trong ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Gặp Đạt
Đạt (đang học lớp 3) là một cậu bé hồn nhiên, dễ mến và đang sống cùng bà nội. Cha em đi làm xa nhà và lâu lâu sẽ gửi chút tiền về để bà chăm lo cho em. Đạt có ước mơ làm cảnh sát từ khi mới 3 tuổi, và khi hỏi ở trường em thích học môn nào nhất, Đạt liền nhanh nhảu trả lời ngay là môn Mỹ thuật.
Nghe đến đây, chúng tôi tò mò hỏi tiếp, mong đợi nhìn thấy các bức vẽ của em. “Vậy ở nhà con có hay vẽ không? Cho các cô xem với.” Em đáp, “Dạ không cô ạ, con không có hộp màu nào hết thì làm sao vẽ được.” (cười). Ở trường thì con cứ mượn màu của bạn mà dùng thôi.”
Gặp Linh
Chúng tôi đến thăm nhà Linh, một cậu bé vừa vào lớp 1 được vài ngày. Vì mẹ có vấn đề sức khỏe đã nhiều năm nay, chỉ còn mình cha em gánh vác thu nhập gia đình chăm lo cho 3 đứa con (trong đó có một bé khuyết tật). Nhà em cách trường Phương Ninh khoảng 4km. Buổi sáng, hai chị em của Linh được cha chở đến trường. Trong những hôm cha bận không thể đón vào buổi trưa khi tan học, hai chị em lại dắt tay nhau đi bộ trở về. Đi hết con đường bê tông ngoài lộ, các em phải băng tiếp qua con đường đá dăm nhỏ xíu khoảng chừng 1km nữa mới về đến nhà. Hành trình này tốn khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Gặp Hân
Thoạt nhìn vào ngôi nhà Hân đang sinh sống cùng mẹ, chúng tôi cứ nghĩ nhà em tươm tất vì có nền gạch mái tôn. Nhưng khi bước đến gần hơn, chúng tôi mới vỡ lẽ nhà của em không hề có vách! Chính xác hơn, một vách tường nhà em là tấm tôn, các mặt còn lại chỉ là tấm bạt quây xung quanh mấy cây cột khẳng khiu, mặt nhà trước thì được dựng bằng ván gỗ ép. Trong căn nhà đó, tình yêu và cả hi vọng của mẹ dành cho Hân ở con đường học hành dường như dễ nhận thấy hơn cả hơn cả, khi góc học tập của em là nơi được “chăm chút” nhất với một bàn học màu hồng xinh xắn.
–
Và cứ thế, chúng tôi tiếp tục đi đến những gia đình khác. Dù tiết trời dạo gần đây có ảm đạm, nhưng ở mỗi căn nhà đi qua, chúng tôi vẫn tìm thấy những tia nắng lấp ló phía trước đang đợi. Đó là những ánh mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên của các em đều sáng lên khi được hỏi: “Con có thích đi học không?” Và câu trả lời luôn là: “Dạ có!”