“Cô nhớ có những hôm mấy cô trò vào lớp mà ôm nhau khóc. Nhiều gia đình khuyên con cái đi làm sớm vì cho rằng việc học vẽ chỉ là một sở thích nhất thời và không có triển vọng tương lai. Cô phải trấn an rằng, các em cứ ráng học hết lớp 12 đi, còn chuyện ôn thi đại học cứ để cô lo”.
Đã ngót nghét gần 25 năm kể từ cơ duyên đưa cô Thủy trở thành giáo viên giảng dạy môn Vẽ tại trường Thăng Long. Cô hiện là Quản lý khoa Thiết kế mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Dù thời gian dành cho công việc chính này là chủ yếu, cô Thủy đều đặn dành vài tiếng nghỉ ngơi ngắn ngủi để trao gửi niềm yêu hội họa đến các bạn nhỏ vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần.
Những năm đầu đứng lớp, cô cũng không tránh khỏi những khó khăn muôn phần. Những đứa trẻ lớp 5–6 thời điểm đó, đã từng trải qua 6 năm ròng rã để trở thành tốp đầu tiên bước vào ngưỡng đại học, thế nhưng vài bạn vì mưu sinh mà phải tạm nghỉ giữa chừng. “Cô cũng hết sức khuyên rằng dù có gì đi nữa, cũng phải ráng học, để lấy cái bằng [sau khi hoàn thành lớp 12] đã rồi muốn đi làm thế nào cũng được”.
Theo thời gian, những bạn nhỏ cô Thủy dìu dắt ngày ấy nay đã trưởng thành. Một vài bạn chọn theo ngành đồ họa và kiến trúc, số khác rẽ sang định hướng mới nhưng ai nấy đều có thành công nhất định. Hiện tại, dù không thể gặp nhau thường xuyên, các cô trò vẫn thường xuyên giữ liên lạc và chia sẻ cho nhau nghe về công việc và cuộc sống.
Trải qua nhiều thế hệ, độ tuổi học sinh tham gia lớp học càng đa dạng, thậm chí những em cấp 1 đã bắt đầu tiếp xúc với bộ môn này. Do đó hơn bao giờ hết, giáo viên cần sự kiên nhẫn và linh hoạt để có thể theo sát các em. “Mấy bé nhỏ ngây thơ và đơn giản, vì thế có cách nhìn nhận vấn đề và chọn bố cục cũng khác so với mấy em lớn hơn. Nhưng khi được ngắm nhìn tranh vẽ ở các trình độ khác nhau như thế lại làm cô thấy thư giãn vô cùng”. Có lẽ ở mỗi giai đoạn, do cách suy nghĩ không giống nhau đó đã khiến tranh trở nên khác biệt và thú vị vì thể hiện ánh nhìn phù hợp với từng lứa tuổi của các em.
Nhiều năm nay, cô Thủy cũng quan tâm đến việc cho học sinh trải nghiệm vẽ tranh thực tế. “Khác với trên lớp, các em chỉ được phép ngắm những bức ảnh in sẵn và vẽ lại nên đôi khi việc tạo ra những cảm xúc thực vô cùng khó khăn vì chúng đến từ cái nhìn của người nhiếp ảnh. Tổ chức những chuyến đi như vậy có thể giúp các em phát triển kỹ năng quan sát và phân tích lựa chọn bố cục, cũng như khơi gợi cảm xúc và thổi hồn vào những bức tranh vẽ tốt hơn”. Với những em nhỏ, cô sẽ hướng dẫn vẽ những chủ thể đơn giản, còn các bạn cấp 2 hoặc đã học lâu năm thì đòi hỏi độ khó và phức tạp cao hơn.
Khi hỏi về lý do cô gắn bó với trường Thăng Long trong khoảng thời gian lâu đến như vậy, cô chia sẻ. “Cô xem việc đi dạy như hoạt động đóng góp một chút cho xã hội vậy thôi. Thay gì cố gắng tìm cách nào giúp trẻ em khó khăn, cô dùng ngay khả năng chuyên môn của mình. Coi như cho mấy đứa nhỏ một sân chơi cuối tuần và biết đâu được có thể khơi dậy cảm hứng cho nghề nghiệp sau này”.
Sau bao năm, cô Thủy vẫn ở đây, tiếp tục sự nghiệp truyền ngọn lửa cảm hứng, thắp sáng niềm đam mê hội họa đến với những bạn trẻ yêu thích và có mong muốn theo đuổi con đường này.